Quy trình, quy phạm kỹ thuật

QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VỀ ĐẤT, QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

QUY TRÌNH

GIẢI QUYẾT TRANH CHP VỀ ĐẤT, QUYN SỬ DỤNG ĐẤT

I. NỘI DUNG QUY TRÌNH:

1.Phân tích các mâu thuẫn có thể phát sinh:

Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đơn Dương được nhà nước giao quản lý và sử dụng diện tích 21.647,07 ha theo Quyết định số 1800/QĐ-UBND ngày 11/08/2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng Phê duyệt Đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đơn Dương; 

Trong quá trình quản lý và sử dụng đất có thể xảy ra việc tranh chấp về đất, quyền sử dụng đất, phá rừng để lấy đất làm nương rẫy, lấn chiếm đất lâm nghiệp để canh tác nông nghiệp, … giữa Công ty với các tổ chức và người dân địa phương.

2. Giải thích từ ngữ:

– Tranh chấp đất đai: Là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.

– Lấn đất: Là việc tổ chức hoặc cộng đồng dân cư đang sử dụng đất tự chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất.

– Chiếm đất: Là việc sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc chủ sử dụng đất cho phép sử dụng hoặc việc sử dụng đất do được Nhà nước tạm giao hoặc mượn đất nhưng hết thời hạn tạm giao, mượn đất mà không trả lại đất.

3. Quyền và nghĩa vụ của Công ty:

Công ty được giao quản lý, sử dụng có 3 loại đất: Đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất và đất quy hoạch ngoài lâm nghiệp.

– Đối với đất rừng phòng hộ: Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.

– Đối với đất rừng sản xuất: Nhà nước giao không thu tiển sử dụng đất đối với diện tích rừng tự nhiên không khai thác theo quy định của Chính Phủ hoặc chưa đến thời kỳ khai thác; Nhà nước cho thuê đất đối với diện tích rừng trồng, Công ty trả tiền sử dụng đất hàng năm.

– Đối với đất quy hoạch ngoài lâm nghiệp: Nhà nước cho thuê đất, Công ty trả tiền sử dụng đất hàng năm.

Quyền và nghĩa vụ của Công ty: Thực hiện theo Luật đất đai năm 2013; Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai và các qui định hiện hành của Nhà Nước.

4. Phân loại các dạng tranh chấp quyền sử dụng đất, lấn, chiếm rừng và đất lâm nghiệp:

4.1. Về tranh chấp quyền sử dụng đất:

– Việc tranh chấp quyền sử dụng đất có thể do tổ chức và cộng đồng dân cư địa phương hoặc cán bộ công nhân viên Công ty chưa nắm rõ ranh giới về đất giữa lâm phận do Công ty quản lý và địa phương quản lý.

– Cộng đồng dân cư khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nơi khác nhưng khi canh tác lại canh tác trên lâm phận của Công ty quản lý hoặc ngược lại.

4.2. Về lấn, chiếm rừngđất lâm nghiệp:

– Người dân địa phương chiếm đất hoặc mở rộng đất canh tác bất hợp pháp trên diện tích đất của Công ty (hoặc ngược lại).

– Nương, rẫy cũ: Người dân đang canh tác hoặc bỏ hoang hóa trên đất lâm nghiệp của Công ty.

– Nương, rẫy mới: Người dân mới phá rừng hoặc lấn, chiếm đất lâm nghiệp để canh tác.

5. Trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất và lấn, chiếm rừng và đất lâm nghiệp:

5.1. Tranh chấp về quyền sử dụng đất:

Tranh chấp do chưa nắm rõ ranh giới về đất giữa lâm phận do Công ty quản lý và địa phương quản lý, trình tự thủ tục giải quyết như sau:

– Tổ chức và cộng đồng dân cư hoặc Công ty có đơn thư khiếu nại về quyền sử dụng đất hoặc quá trình kiểm tra, tác nghiệp của một hay nhiều bên phát hiện có việc tranh chấp quyền sử dụng đất.

– Khi phát hiện hoặc có đơn thư khiếu nại về tranh chấp đất đai thì bên được coi là bị lấn chiếm yêu cầu bên được coi là lấn chiếm tạm ngừng mọi hoạt động trên diện tích đất tranh chấp.

– Sau chậm nhất là 3 ngày, Công ty phối hợp cùng với chính quyền địa phương và tổ chức hoặc cá nhân có liên quan tiến hành kiểm tra, xác minh, đối chiếu hồ sơ, tài liệu và kiểm tra ngoài thực địa những diện tích đất tranh chấp.

Sau khi có biên bản kiểm tra, xác minh hiện trường tranh chấp, các bên liên quan (bao gồm chính quyền địa phương, Công ty và tổ chức hoặc cá nhân có liên quan) họp và giải quyết như sau:

+ Trường hợp thứ nhất: Nếu phía Công ty sai, thì phải thỏa thuận bồi thường cho tổ chức hoặc cộng đồng dân cư ít nhất bằng giá trị mà Công ty đã gây thiệt hại và trả lại phần đất đó cho tổ chức hoặc cộng đồng dân cư.

+ Trường hợp thứ hai: Nếu Tổ chức, cộng đồng dân cư sai, thì phải thỏa thuận bồi thường cho Công ty ít nhất bằng giá trị mà bên đó gây thiệt hại cho Công ty và phải trả lại phần đất đó cho Công ty.

+ Trường hợp thứ ba: Người dân sai, thì trả lại phần đất cho Công ty hoặc trồng lại rừng (nếu là diện tích đất đó có rừng trồng).

+ Trường hợp thứ tư: Nếu các bên không tự thỏa thuận được với nhau thì khởi kiện ra tòa án dân sự. Quyết định của tòa án là cơ sở để các bên giải quyết tranh chấp.

Nếu quá trình tranh chấp làm thiệt hại đến rừng và đất rừng tự nhiên thì tổ chức hoặc cá nhân nào sai phải chịu trách nhiệm theo qui định của pháp luật hiện hành.

5.2. Về lấn, chiếm rừngđất lâm nghiệp:

a/ Đối với tổ chức hoặc cá nhân không có hộ khẩu thường trú tại địa phương nơi xảy ra vụ việc, Công ty lập hồ sơ gửi cơ quan chức năng giải quyết theo qui định của pháp luật như sau:

– Mức độ vi phạm hành chính: Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền  xử lý theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai hoặc Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

– Mức độ hình sự: Theo qui định hiện hành của pháp luật.

b/ Đối với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư địa phương sống trong và ven lâm phần của Công ty:

b1. Đối với nương, rẫy cũ:

b1.1. Nếu xác định đúng người vi phạm:

– Công ty cử cán bộ phụ trách địa bàn phối hợp với chính quyền xã, thôn và người có liên quan tiến hành điều tra, xác minh hiện trường và lập biên bản theo quy định đối với diện tích đất bị lấn chiếm.

– Sau đó Công ty cử cán bộ đại diện cùng với chính quyền xã, thôn và người có liên quan tổ chức họp, bàn bạc, xác định và thống nhất cách giải quyết.

– Vận động người vi phạm ký cam kết không được mở rộng diện tích đất lấn chiếm và sau khi thu hoạch hết hoa màu sẽ trả lại diện tích đất đó để trồng rừng.

– Công ty sẽ hỗ trợ cây giống và kỹ thuật để người dân trồng lại rừng trên diện tích đất lấn chiếm. Trong thời gian rừng trồng chưa khép tán, người dân được trồng xen dưới tán rừng các loài cây nông nghiệp ngắn ngày và được hưởng toàn bộ sản phẩm trồng xen đó. Khi rừng trồng đủ tiêu chí cung ứng các dịch vụ môi trường theo quy định thì người dân được nhận khoán bảo vệ rừng và được chi trả dịch vụ môi trường rừng theo kế hoạch của Công ty.

b1.2. Nếu chưa xác định được người vi phạm:

– Cán bộ phụ trách địa bàn (Công ty) phối hợp với lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng, cán bộ địa chính xã hoặc điều tra thu thập thông tin qua các chủ vườn kế cận để làm rõ nhân thân địa chỉ của người đang canh tác.

– Trong quá trình tuần tra, cán bộ phụ trách địa bàn phối hợp với lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng kiểm tra vào thời điểm thu hoạch mùa vụ canh tác để tiếp cận người dân và làm rõ nhân thân của người đang canh tác.

– Khi đã xác định nhân thân của người đang canh tác thì áp dụng thực hiện các bước như đã nêu tại điểm b1.1.

b2. Đối với nương, rẫy mới: Mới phát dọn hoặc phát dọn, đốt nh­ưng ch­ưa canh tác hoặc đang trong giai đoạn chuẩn bị canh tác lần đầu.

b2.1. Trường hợp xác định được người vi phạm:

– Công ty cử cán bộ phụ trách địa bàn phối hợp với chính quyền xã, thôn và người có liên quan tiến hành điều tra, xác minh hiện trường và lập biên bản theo quy định đối với diện tích đất bị lấn chiếm để xử lý.     

– Sau đó Công ty cử cán bộ đại diện cùng với chính quyền xã, thôn và người có liên quan tổ chức họp, xác định và thống nhất cách giải quyết theo hướng như sau:

+ Người vi phạm giao trả đất lấn chiếm để Công ty lập kế hoạch trồng rừng. Khi thực hiện, ưu tiên cho người vi phạm được trực tiếp tham gia trồng rừng, chăm sóc rừng trồng và được thanh toán một phần chi phí nhân công trồng rừng và chăm sóc rừng trồng. Đến khi rừng trồng đủ tiêu chí cung ứng các dịch vụ môi trường theo quy định thì người dân được nhận khoán bảo vệ rừng và được chi trả dịch vụ môi trường rừng theo kế hoạch của Công ty.

+ Trường hợp người vi phạm không chịu giao trả đất lấn chiếm để Công ty lập kế hoạch trồng lại rừng và không tham gia hợp đồng trồng rừng thì Công ty lập biên bản đối với người vi phạm và đề nghị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; đồng thời Công ty tổ chức trồng lại rừng trên diện tích đó.

b2.2. Trường hợp không xác định được người vi phạm:

– Cán bộ phụ trách địa bàn (Công ty) phối hợp với chính quyền xã, thôn tiến hành điều tra, thu thập thông tin, xác minh hiện trường và lập biên bản đối với diện tích đất bị lấn chiếm chưa xác định người vi phạm.  

– Công ty đề nghị chính quyền xã, thôn tổ chức mời gọi các hộ canh tác lân cận vị trí đất bị lấn chiếm để họp, vận động, tuyên truyền và đấu tranh làm rõ các thông tin liên quan để xác định đối tượng vi phạm. Trong số hộ được chính quyền mời lên làm việc, nếu có hộ canh tác liền kề nhận hành vi vi phạm tại vị trí nêu trên thì sẽ áp dụng hình thức xử lý như nội dung điểm b2.1; nếu không có hộ nào nhận thì yêu cầu tất cả các hộ ký cam kết không được sử dụng đất lâm nghiệp do mới bị lấn chiếm trong lâm phần của Công ty quản lý, đồng thời đề nghị các hộ cung cấp thêm thông tin liên quan đến vị trí đất mới bị lấn chiếm để Công ty có cơ sở tiếp tục xử lý trong thời gian tới.

– Sau đó, Công ty chỉ đạo Phân trường và yêu cầu lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng tăng cường tuần tra, kiểm tra khu vực đó để điều tra, thu thập thông tin hoặc phát hiện đối tượng vi phạm và lập hồ sơ đề nghị xử lý theo quy định.

– Công ty phối hợp với chính quyền địa phương, thôn/bản tuyên truyền, vận động người dân không xâm hại rừng, không lấn, chiếm đất lâm nghiệp; vận động các hộ canh tác liền kề nhận thực hiện trồng lại rừng trên diện tích bị lấn chiếm.

b3. Đối với hành vi tái lấn, chiếm rừng và đất lâm nghiệp (tái phạm, vi phạm nhiều lần):

Sau khi ban hành quy trình và đã được phổ biến nội dung, tuyên truyền, giải thích, vận động nhưng các hộ vi phạm không thực hiện cam kết trồng lại rừng theo kế hoạch của Công ty thì sẽ áp dụng hình thức xử lý vi phạm hành chính theo qui định của pháp luật hiện hành.

II. HIỆU LỰC SỬ DỤNG QUY TRÌNH:

Quy trình này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và được sử dụng trong dài hạn, trong suốt quá trình thực hiện quản lý rừng bền vững của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đơn Dương.

Quy trình có thể được bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung cho phù hợp với tình hình thực tế hoạt động của Công ty và của người dân địa phương.

Trên đây là nội dung quy trình giải quyết tranh chấp về đất, quyền sử dụng đất và các hành vi lấn, chiếm rừng và đất lâm nghiệp của Công ty. Quy trình được gửi đến UBND các Xã để phối hợp thực hiện cùng Công ty trong việc giải quyết các tranh chấp về đất, quyền sử dụng đất.

 Các đơn vị trực thuộc Công ty và các cá nhân có trách nhiệm quản lý rừng và đất lâm nghiệp căn cứ quy trình này để giải quyết tranh chấp về đất, quyền sử dụng đất (nếu có xảy ra). Trong quá trình thực hiện nếu có xảy ra bất cập thì Công ty cùng các tổ chức có liên quan hoặc cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương cấp xã sẽ tổ chức phối hợp bàn bạc, giải quyết và điều chỉnh quy trình cho phù hợp./.

Đơn Dương, ngày 15 tháng 6 năm 2018

                                                                                               GIÁM ĐỐC

Bài mới nhất

To Top