Quy trình, quy phạm kỹ thuật

QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT MÂU THUẪN PHÁT SINH

QUY TRÌNH  

GIẢI QUYẾT MÂU THUẪN PHÁT SINH

I. NỘI DUNG QUY TRÌNH:

1. Phân tích, xác định các mâu thuẫn có thể phát sinh:

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đơn Dương do UBND tỉnh Lâm Đồng làm chủ sở hữu và giao quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trong dài hạn. Diện tích đất nằm trong địa giới hành chính huyện Đơn Dương, thuộc Thị trấn D’ran và các xã: Lạc Xuân, Ka Đô, Pró, Ka Đơn, Tu Tra. Trong quá trình sản xuất – kinh doanh lâm nghiệp không tránh khỏi những mâu thuẫn và xung đột có thể xảy ra giữa Công ty và người dân hoặc cộng đồng dân cư địa phương, những mâu thuẫn, xung đột đó được xác định như sau:

– Người dân địa phương có hành vi ken cây và đổ hóa chất gây chết cây rừng để lấy đất làm nương rẫy canh tác nông nghiệp; đào đãi khoáng sản; lấn, chiếm, san ủi đất lâm nghiệp để canh tác nông nghiệp; tự ý gây trồng cây hoa màu, cây lâm nghiệp và các loài cây khác … trên đất của Công ty đang quản lý.

– Người dân tự ý thả trâu, bò vào rừng mới trồng (rừng non) của Công ty, gia súc giẫm đạp làm chết cây trồng, gây thiệt hại kinh tế cho Công ty.

– Người dân tự ý vào khai thác rừng trái phép để lấy gỗ và các loại lâm sản khác trong rừng của Công ty đang quản lý.

– Người dân đốt nương rẫy gây cháy rừng của Công ty mà không chịu trách nhiệm pháp luật và đền bù thiệt hại cho Công ty.

– Người dân di dời cọc mốc ranh giới hoặc phá hoại các công trình phục vụ bảo vệ rừng do Nhà nước thiết lập.

– Các hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và cộng đồng địa phương.

– Mâu thuẫn phát sinh trong quá trình sử dụng lao động giữa Công ty và người lao động địa phương do quyền lợi các bên chưa được giải quyết thỏa đáng.

– Mâu thuẫn có liên quan đến Công ty do giữa các hộ dân xâm canh đất lâm nghiệp xảy ra mâu thuẫn tranh chấp với nhau, …

– Mâu thuẫn giữa Công ty và chính quyền địa phương do không thống nhất ý kiến khi giải quyết các vụ tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra, ….

2. Phân tích các mâu thuẫn có thể biến thành xung đột:

– Người có hành vi vi phạm không chịu nhận ra sai phạm của mình mà còn dùng lời nói hoặc hành động chống chế và cản trở lực lượng thi hành công vụ hoặc/đồng thời tiếp tục vi phạm, mức độ nghiêm trọng hơn.

– Hoặc người có hành vi vi phạm cố ý tiếp tục gây ra những sai phạm khác.

– Mâu thuẫn giữa các hộ dân không đạt được hòa giải.

3. Xác định nguồn gốc phát sinh xung đột:

– Xác định rõ nguyên nhân, đối tượng và các bên có liên quan đến mâu thuẫn, xung đột.

– Xác định cụ thể thời gian, địa điểm xảy ra mâu thuẫn, xung đột.

– Xem xét lại các quy định, chính sách có liên quan.

– Xem xét hệ thống, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp của các bên liên quan và của cơ quan có thẩm quyền.

4. Trình tự giải quyết mâu thuẫn, xung đột theo các mức độ diễn ra:

Stt Mức độ mâu thuẫn diễn ra Phương pháp giải quyết
1   Các mâu thuẫn ở mức độ nhẹ. Công ty gặp trực tiếp người vi phạm để lắng nghe ý kiến từ phía người dân và tìm cách dàn xếp, giải quyết các mâu thuẫn.
2 Các mâu thuẫn ở mức độ tương đối nghiêm trọng. Công ty mời chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tham gia xử lý vụ việc.
3 Mức độ nghiêm trọng: Người vi phạm nhận thấy sai phạm, không tái phạm và chấp nhận hình thức xử phạt của cơ quan chức năng. Công ty sẽ ghi nhận và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
4 Mức độ rất nghiêm trọng: Người vi phạm không nhận thấy sai phạm của mình mà tiếp tục vi phạm (tái phạm), mức độ nghiêm trọng hơn. Công ty sẽ báo cáo lên các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý cương quyết hơn theo đúng quy định của pháp luật.
5 Mức độ đặc biệt nghiêm trọng: Người vi phạm không chấp nhận sai phạm của mình và cố ý tiếp tục gây ra những sai phạm khác. Công ty báo cáo lên các cơ quan chức năng và đề nghị cương quyết xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
6 Mâu thuẫn giữa các hộ dân không đạt được hòa giải. Công ty kiến nghị chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chủ trì xử lý vụ việc.

4.1. Mâu thuẫn ở mức độ nhẹ:

– Đối với người vi phạm: Giải thích để người vi phạm thông hiểu quy định của pháp luật và chấm dứt các hành vi vi phạm, đồng thời đề nghị ký cam kết với Công ty và chính quyền địa phương về không tiếp tục thực hiện các hành vi vi phạm, tái phạm pháp luật (theo mẫu kèm theo).

–  Đối với các hoạt động của Công ty gây ảnh hưởng tới sản xuất, đời sống của người dân:

+ Đại diện Công ty lắng nghe nội dung phản ánh của người dân;

+ Đình chỉ các hoạt động đó và khắc phục ngay các ảnh hưởng;

+ Thông báo cho người dân và chính quyền địa phương biết biện pháp và kết quả khắc phục các ảnh hưởng của Công ty.

4.2. Mâu thuẫn ở mức độ tương đối nghiêm trọng:

– Đối với người vi phạm: Giải thích để người vi phạm chấm dứt các hành vi vi phạm và lập biên bản đình chỉ các hoạt động vi phạm đó; Công ty lập hồ sơ chuyển các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý và đề nghị xử phạt mức độ nhẹ nhất theo khung hình phạt của pháp luật.

+ Yêu cầu người vi phạm khắc phục những hậu quả (Công ty có thể hỗ trợ cây giống để trồng lại rừng).

+ Kiểm điểm người vi phạm trong các cuộc họp thôn, buôn, … và yêu cầu đối tượng vi phạm làm cam kết không tái phạm; đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân để người dân hiểu thêm quy định của pháp luật.

–  Đối với các hoạt động của Công ty gây ảnh hưởng tới sản xuất, đời sống của người dân:

+ Lãnh đạo Công ty đình chỉ các hoạt động đó và khắc phục ngay các ảnh hưởng hoặc đền bù thiệt hại cho người dân.

+ Thông báo cho người dân biết về những biện pháp và kết quả khắc phục của Công ty để người dân biết kiểm tra và phản hồi.

4.3. Mâu thuẫn ở mức độ nghiêm trọng:  Người vi phạm không nhận thấy sai phạm của mình mà tiếp tục vi phạm (tái phạm), mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn:

– Đối với người vi phạm: Lập biên bản vi phạm lần hai và đình chỉ các hoạt động vi phạm đó, tạm giữ tang vật, phương tiện, dụng cụ vi phạm; chuyển hồ sơ các cơ quan có thẩm quyền xử lý và đề nghị xử phạt mức độ trung bình theo khung hình phạt của pháp luật.

+ Yêu cầu người vi phạm khắc phục những hậu quả (Công ty có thể hỗ trợ cây giống để trồng lại rừng).

+ Kiểm điểm người dân trong các cuộc họp thôn, buôn, … để giáo dục, răn đe.

–  Đối với các hoạt động của Công ty gây ảnh hưởng tới sản xuất, đời sống của người dân:

+ Lãnh đạo Công ty đình chỉ các hoạt động đó và khắc phục ngay các ảnh hưởng hoặc đền bù thiệt hại cho người dân.

+ Nghiêm túc chấp hành các hình thức xử phạt của các cơ quan chức năng.

+ Xử lý nghiêm các tổ chức, các cá nhân vi phạm ở mức độ nhẹ nhất.

+ Thông báo cho người dân (thông qua xã, thôn) biết về những biện pháp và kết quả khắc phục hậu quả để người dân biết kiểm tra và phản hồi.

4.4. Mâu thuẫn ở mức độ rất nghiêm trọng: Người vi phạm không nhận thấy sai phạm của mình mà tiếp tục vi phạm (tái phạm), mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn:

– Đối với người vi phạm: Lập biên bản vi phạm và đình chỉ các hoạt động vi phạm đó, tạm giữ tang vật, phương tiện, dụng cụ vi phạm; chuyển hồ sơ các cơ quan có thẩm quyền xử lý và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính mức độ cao nhất  theo khung hình phạt của pháp luật.

+ Yêu cầu người vi phạm khắc phục những hậu quả (Công ty có thể hỗ trợ cây giống để trồng lại rừng).

+ Kiểm điểm người dân trong các cuộc họp thôn, buôn, … để giáo dục, răn đe.

–  Đối với các hoạt động của Công ty gây ảnh hưởng tới sản xuất, đời sống của người dân:

+ Lãnh đạo Công ty đình chỉ các hoạt động đó và khắc phục ngay các ảnh hưởng hoặc đền bù thiệt hại cho người dân.

+ Nghiêm túc chấp hành các hình thức xử phạt của các cơ quan chức năng.

+ Xử lý nghiêm các tổ chức, các cá nhân vi phạm ở mức độ nhẹ nhất.

+ Thông báo cho người dân (thông qua xã, thôn) biết về những biện pháp và kết quả khắc phục hậu quả để người dân biết kiểm tra và phản hồi.

4.5. Mức độ đặc biệt nghiêm trọng (xử lý hình sự): Trình tự thủ tục theo qui định của pháp luật.

4.6. Mâu thuẫn giữa các hộ dân không đạt được hòa giải: Công ty kiến nghị chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chủ trì xử lý vụ việc.

4.7. Các loại mâu thuẫn do bên thứ ba gây ra:

– Do các qui định của pháp luật và các cơ quan quản lý nhà nước: Công ty và người dân họp bàn và thống nhất kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý giải quyết.

– Do các cá nhân, tổ chức khác gây ra: Công ty và người dân họp bàn để đồng thuận các giải pháp, biện pháp và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

5. Tổ chức hệ thống giải quyết mâu thuẫn, xung đột:

5.1. Thành phần Ban hòa giải gồm:          

– Đại diện Công ty: Lãnh đạo công ty và đơn vị Phân trường hoặc đơn vị sản xuất trực thuộc công ty.

– Đại diện cộng đồng địa phương (trưởng thôn/buôn; già làng hoặc người có uy tín trong cộng đồng).

– Đại diện chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan.

5.2. Nhiệm vụ của Ban hòa giải:

– Tìm hiểu, phân tích những mâu thuẫn xảy ra và tìm giải pháp ngăn ngừa.

– Hoàn thiện hệ thống giải quyết mâu thuẫn nhanh và kịp thời, không để xảy ra xung đột.

– Nắm bắt thông tin về đối tượng, thời gian, địa điểm xảy ra mâu thuẫn.

– Tìm hiểu nguyên nhân trước mắt, nguyên nhân sâu xa của mâu thuẫn.

– Lắng nghe ý kiến của các bên có mâu thuẫn và các bên liên quan.

– Ưu tiên giải quyết mâu thuẫn bằng hòa giải, động viên, khuyến khích các bên tự giải quyết là chính, trường hợp các bên không tự giải quyết được thì từng bước giải quyết theo nội dung, trình tự tại mục 4 quy trình này.

– Rút kinh nghiệm và bổ sung, hoàn thiện các giải pháp phòng ngừa.

5.3. Hoạt động của Ban hòa giải:

– Đại diện Công ty chủ động trong mọi hoạt động của Ban hòa giải.

– Ban hòa giải phải có mặt kịp thời khi có mâu thuẫn xảy ra.

– Các thành viên Ban hòa giải phải tiến hành giải quyết mâu thuẫn trên nguyên tắc lắng nghe, tôn trọng ý kiến và bảo đảm hài hòa quyền lợi của các bên.

– Xây dựng hệ thống nắm bắt thông tin tin cậy, kịp thời, chính xác, sâu sát với quần chúng nhân dân để tìm hiểu mối quan hệ giữa các bên có liên quan.

II. HIỆU LỰC SỬ DỤNG QUY TRÌNH:

Quy trình này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và được sử dụng trong dài hạn, trong suốt quá trình thực hiện quản lý rừng bền vững của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đơn Dương.

Quy trình có thể được bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung cho phù hợp với tình hình thực tế của Công ty và người dân địa phương.

Trên đây là nội dung Quy trình giải quyết mâu thuẫn phát sinh trong các hoạt động sản xuất lâm nghiệp của đơn vị. Công ty thông báo đến các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan được rõ và có trách nhiệm thực hiện theo quy trình này./.

Đơn Dương, ngày 15 tháng 6 năm 2018

                                                                                            GIÁM ĐỐC

Bài mới nhất

To Top